Khải Hoàn Môn – Câu chuyện về công trình lịch sử của nước Pháp

Khải Hoàn Môn toạ lạc tại quận 8, Thủ đô Paris, ngay giữa trung tâm quảng trường Charles-de-Gaulle. Là điểm giao nhau giữa 12 đại lộ trong đó có Champs-Élysées vốn được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất Thế giới. Tổng thể công trình có chiều cao 50m, rộng 45m, bề dày 22 mét và có phần móng sâu 9m dưới lòng đất. Tổng trọng lượng của công trình Khải Hoàn Môn khoảng 100.000 tấn.

Để đến được Khải Hoàn Môn này, du khách phải đi qua đường ngầm dưới lòng đất có tên là Passage du Souvenir (Lối đi kỷ niệm) từ đại lộ Champs-Élysées hoặc đại lộ Grande Armée. Khải Hoàn Môn được xây dựng bởi ý tưởng của hoàng đế Napoleon đệ Nhứt nhằm vinh danh đạo quân Napoleon

Ngày nay, Khải Hoàn Môn được biết đến nhiều tên gọi như “Bắc đẩu Tinh tú Hoàn môn”, “L’arc de triomphe de l’Étoile” hay “Arc de Triomphe”. Với tên gọi “Khải Hoàn” ta có thể hiểu đơn giản như sau: “Khải – vui mừng, hạnh phúc”, “Hoàn – trở vể” => Đạo quân vinh dự trở về trong chiến thắng.

Vào ngày 02/12/1805 nhân dịp kỷ niệm 1 năm đăng quang của Hoàng đế Napoleon đệ Nhứt, đồng thời cũng là ngày ông giành chiến thắng Austerlitz – một chiến thắng quan trọng và có tính chất quyết định trong chiến tranh Napoleon. Ông đã lên ý tưởng xây dựng một Khải Hoàn Môn nhằm vinh danh chiến thắng của các đạo quân Pháp trở về đồng thời thực hiện lời hứa của ông với các binh lính rằng “Họ sẽ trở về dưới một cánh cổng Khải Hoàn” – truyền thống đoàn quân đi dưới cánh cổng Khải Hoàn đã bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại.

Theo đó, các đạo quân La Mã trở về từ các cuộc chinh chiến phải đi qua một cánh cổng thần kỳ để gột rửa hết những năng lượng “huỷ diệt” bên trong mỗi người trước khi bước vào thành phố “yên bình”. Napoleon cũng đã tiếp nối truyền thống của Vua Louis 14, Louis 15,… vốn đã thực hiện truyền thống này trước đó tại Lille, Nancy, Montpellier,… Và sau cùng là công trình mang tính lịch sử của Napoleon Bonaparte tại Paris – L’arc de triomphe de l’Étoile

Ban đầu, ý tưởng của ông sẽ xây dựng một công trình hình con Voi, bên trong sẽ là không gian bảo tàng trưng bày về lịch sử đế chế, lịch sử về các đạo quân. Vòi voi sẽ là đài phun nước, lấy nước để tưới cho vườn hoa điện Élysées. Tuy nhiên, vì tính biểu tượng của con Voi sẽ làm người ta liên tưởng đến các cuộc chinh phục ở thời Cổ đại nên các cố vấn công trình đã hướng ông đến việc quyết định xây dựng cánh cổng Khải Hoàn theo phong cách truyền thống, với lối kiến trúc La Mã cổ đại và hoành tráng cho đến hiện nay.

Viên đá đầu tiên được đặt xuống để xây dựng (Lễ khởi công) là vào đúng ngày sinh nhật của ông (15/08/1806). Tuy vậy, Napoleon Bonaparte không có cơ hội để nhìn thấy công trình hoàn tất vì việc thi công chậm trễ khiến cho công trình phải kéo dài suốt 30 năm mới được khánh thành dưới thời trị vì dưới thời Vua Louis Philippe năm 1836.

Công trình Khải Hoàn Môn là tổng thể điêu khắc lớn nhất của Pháp trong thế kỷ 19. Các mặt của công trình được trang trí nhiều bức phù điêu, tượng đài và khắc tên các nhân vật nổi tiếng trong giai đoạn Cách mạng và Đế chế. Trong đó, bốn nhóm điêu khắc chính trên mỗi cột của công trình lần lượt là:

  • Le Départ de 1792 (hoặc là La Marseillaise), của François Rude.
  • Le Triomphe de 1810, của Jean-Pierre Cortot kỷ niệm Hiệp ước Schönbrunn. Bức phù điêu này mô tả Ngài Napoleon được trao vương miện bởi nữ thần Chiến thắng.
  • La Résistance de 1814, của Antoine Étex kỷ niệm cuộc kháng chiến của Pháp với quân đội đồng minh trong thời gian “War of the Sixth Coalition”.
  • La Paix de 1815, của Antoine Étex kỷ niệm Hiệp ước Paris – Hay còn gọi là Hiệp ước Paris lần 2 được ký kết vào 20/11/1815.

Từ đó đến nay, Khải Hoàn Môn là địa điểm tổ chức các lễ hội, chào đón năm mới, các sự kiện quan trọng hay ăn mừng chiến thắng thể thao. Ngày nay, công trình lịch sử này thu hút hàng triệu du khách tham quan mỗi năm. Khải Hoàn Môn đã trở thành điểm tham quan không thể thiếu khi đặt chân đến “Kinh đô Ánh sáng – Paris”.

Nguồn: Steven Do Steven Do – KHẢI HOÀN MÔN

=>>Tham khảo ngay Tour Pháp của Chanh để chiêm ngắm Khải Hoàn Môn nhé

Bạn cũng có thể thích...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *